Mật nhân là một cây thuốc được sử dụng trong dân gian từ rất lâu, nó còn được gọi với những cái tên khác đó là: cây bá bệnh, hay cây bách bệnh. Từ lâu, người ta thường đi chặt cây mật nhân về làm thuốc. Cây mật nhân thường mọc hoang ở miền Trung và miền Đông Nam Bộ, cây có thể cao tới 7-8 mét.
Bộ phận dùng của cây gồm, lá, vỏ thân cây, quả và rễ. Theo Đông y, mật nhân có vị đắng, tính mát, quy (đi vào) kinh can và thận, có tác dụng bổ dưỡng cho người bị khí huyết hư, gân xương đau nhức, tê chân tay, rối loạn tiêu hóa (tiêu chảy hay kiết lỵ
đều dùng được), phòng ngừa tứ thời cảm mạo. Ngoài ra, mật nhân còn chữa được chứng thống kinh (phụ nữ bị đau bụng lúc hành kinh), chứng ách nghịch ở ngực (đau tức ngực do khí ứ không thông). Bộ phận thường dùng là rễ hay vỏ thân cây, còn lá thường chỉ được dùng nấu nước tắm trị ghẻ chốc. Rễ của cây mật nhân đem về chặt nhỏ, phơi khô, sao vàng hạ thổ rồi đem ngâm rượu, mỗi lít ngâm khoảng 30-40 gam, ngâm trong 20 ngày là dùng được. Liều dùng mỗi ngày uống 20- 50ml rượu mật nhân.Tùy theo nhu cầu điều trị, có thể ngâm riêng hay phối hợp với một số dược liệu khác nhằm giúp tăng hiệu quả điều trị.
Những người không uống đắng được, có thể ngâm chung mật nhân với nho khô, hay chuối khô nướng vàng để dùng cũng được.
Điều đáng lưu ý là, không được dùng mật nhân cho phụ nữ có thai.
Lương y Trần Duy Linh (TP.HCM)
Theo Báo Thanh Niên
Theo Báo Thanh Niên