Đào nát rừng vì lời đồn “thần dược” mật nhân
Thứ Ba, 30/10/2012 13:00
Những ngày qua, người dân nhiều xã thuộc huyện Phú Vang, Thừa Thiên-Huế đổ xô vào những cánh rừng tự nhiên trên rú cát ven đầm phá Tam Giang (thuộc xã Phú Xuân) để đào tìm lấy rễ cây mật nhân (tên dân gian là lộc bệnh). Loại cây này được đồn thổi là một loại “thần dược” trị bá bệnh, có giá trị kinh tế cao khi bán cho thương lái.
Ngày 29-10, chúng tôi đã về xã Phú Xuân (Phú Vang), có hai thôn Quảng Xuyên và Ba Lăng, nơi có diện tích rú cát tự nhiên khoảng 25ha được cho là “điểm nóng” về khai thác cây dược liệu này.
Đào bới vô tội vạ
Một cây mật nhân con may mắn còn sót lại ở rú cát Ba Lăng
Địa điểm đầu tiên chúng tôi đến là vùng rú cát thuộc thôn Ba Lăng. Cùng lực lượng chức năng kiểm tra sơ bộ chỉ trên phạm vi khoảng một hecta rú cát do cộng đồng thôn Ba Lăng và UBND xã Phú Xuân quản lý, nơi đây xuất hiện hàng trăm điểm đào bới tìm củ một loại cây thân gỗ mà dân địa phương quen gọi là lộc bệnh (tên phổ biến là mật nhân).
Theo quan sát, cây mật nhân thường mọc chung cùng bụi với những cây khác nên để đào được cây này phải mất thêm những cây bên canh vì rễ cây mật nhân ăn rất sâu vào cát. Phần cây và ngọn còn vất vương vãi ở trên rú cát sau khi phần gốc rễ đã được lấy đi. Thời điểm chúng tôi vào cánh rừng thôn Ba Lăng, nơi có hàng trăm gốc mật nhân bị xới nát vào giữa buổi sáng, nhiều hố vẫn còn dấu đất mới đào chứng tỏ các nhóm đào trộm vừa kịp tháo chạy do bị đánh động. Tại vùng rú cát thuộc các thôn Ba Lăng, Quảng Xuyên, theo ghi nhận của chúng tôi, đã có hàng trăm điểm đào bới cây mật nhân.
Đã có hàng trăm cái hố như thế này được đào bới khắp rú cát thôn Ba Lăng, mỗi hố là một cây mật nhân bị lấy đi
Ông Phan Đăng Phóng, Trưởng thôn Ba Lăng, cho biết: Việc người dân vào khu vực rú cát đào bới cây mật nhân xuất hiện ồ ạt cả tháng nay. Nhưng khi có tin báo, lực lượng an ninh thôn và chính quyền xã đã lập tổ công tác tiến hành đẩy đuổi và chỉ mới phát hiện, tịch thu phương tiện và đẩy đuổi hai trường hợp vi phạm trú tại thị trấn Phú Đa (huyện Phú Vang).
Ông Phóng cũng cho biết thêm, tình trạng đào bới cây mật nhân gây ảnh hưởng đến trật tự xóm làng. Do lực lượng của thôn mỏng, nạn đào trộm xảy ra chủ yếu vào giữa trưa và ban đêm; người lạ thoắt ẩn, thoắt hiện giữa rừng rú rậm rạp nên rất khó truy bắt, xử lý.
Theo ông Phóng, trước đây chủ yếu người ngoài địa bàn về đào bới cây mật nhân. Nhưng khi một số người trong xã thấy và nghe sự đồn thổi về công dụng của cây “thần dược” này đã có rất nhiều người trong thôn đổ xô đi đào bới. Ông Phóng nhẩm tính, toàn thôn Ba Lăng có có hơn 320 hộ thì quá phần nửa số đó đi đào cây mật nhân rồi, dù chưa biết mang về để làm gì. Nghe đâu nó có nhiều công dụng chữa bệnh lắm. Người ta đồn rằng, mỗi cân củ thái lát phơi khô có giá từ 300 đến 500 nghìn đồng. Nói vậy, nhưng tới giờ vẫn chưa thấy ai hỏi mua, mà người dân cứ phơi khô dự trữ.
Gốc cây mật nhân được lực lượng chức năng xã Phú Xuân thu được khi đối tượng bỏ chạy
Nghe đồn “thần dược” nên đào
Theo chân ông Phan Đăng Phóng, trưởng thôn Ba Lăng ghé vào một số nhà ở khu vực Ba Lăng, nhà nào chúng tôi cũng thấy trước sân phơi từng đống rễ củ mật nhân to tướng.
Tại nhà ông Phan Huấn, thấy nắng lên, vợ ông tranh thủ đưa 2 bao mật nhân đã được cắt lát ra sân phơi. Khi được hỏi, bà này cho biết, nghe thiên hạ đồn đại rễ cây mật nhân này là “thần dược” chữa bách bệnh nên cũng huy động người trong nhà đi đào. Bà này còn cho biết, chẳng lẽ thuốc quý mà để người lạ về đào hết, mình ở ngay trên vựa đó phải có một ít để dự trữ chứ.
Khi chúng tôi hỏi phương thức, liều lượng sử dụng, cách bào chế mật nhân để làm thuốc, nhiều người dân Phú Xuân đều ú ớ mập mờ. Một số người cho biết, đã thử sắc uống để chữa tiểu đường, huyết áp, mỡ máu nhưng không thấy tác dụng. Một số người khác thì phơi khô, sao vàng, hạ thổ sau đó ngâm rượu uống. Họ còn lý giải rằng, nếu là “thần dược” cứ uống không trị bệnh này cũng trị bệnh khác. Cứ đào, phơi khô cất đó ắt sẽ còn phải sử dụng nhiều.
Phó Chủ tịch UBND xã Phú Xuân Nguyễn Văn Dũng cho biết, trước tình trạng trên, UBND xã đã lập 2 đoàn kiểm tra thường xuyên xuống địa bàn các thôn Ba Lăng, Quảng Xuyên một mặt tuyên truyền cho dân hiểu, không tự ý đào bới cây mật nhân, một mặt tuần tra, đẩy đuổi người đào trộm. Tuy nhiên, các tốp đào trộm chủ yếu hoạt động ban đêm, nên chưa thể ngăn chặn, xử lý triệt để. Nói rồi, ông Dũng chỉ cho chúng tôi thấng một cây mật nhân to cỡ bắp chân vừa được lực lượng xã thu giữ.
Ông Trần Xuân Tam, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm Phú Vang cho biết, diện tích rừng rú cát ở Phú Xuân đã được giao cho UBND xã và cộng đồng thôn quản lý. Trước mắt, Kiểm lâm huyện phối hợp vói xã tổ chức lực lượng ngăn chặn người dân vào rừng khai thác trái phép cây mật nhân. Đồng thời, nghiêm cấm mọi tổ chức vào rừng đào bới, khai thác, vận chuyển trái phép cây mật nhân trên địa bàn xã Phú Xuân.
Không biết mật nhân có tác dụng như thế nào nhưng nó đã gây ra cơn sốt ở xã Phú Xuân vốn yên tĩnh xưa nay
Theo ghi nhận của chúng tôi, đến thời điểm này, những cây mật nhân lớn gần như đã biến mất trên vùng rú cát xã Phú Xuân, chỉ còn lại những cây nhỏ mà người dân không khai thác. Việc tác dụng của cây mật nhân như thế nào, công dụng chữa bệnh ra sao cũng cần sự vào cuộc của các cơ quan chức năng. Đặc biệt, sớm có những hướng dẫn cần thiết cho người dân cách thức sử dụng, nếu không hậu quả sẽ khôn lường.
Theo các chuyên gia y dược, cây mật nhân có tên khoa học Eurycoma longifolia Jack, là loài thân gỗ, cao từ 4-8m. Trong dân gian, mật nhân dùng chữa chứng ăn uống khó tiêu, bệnh phụ nữ, say rượu...Tuy nhiên, người dùng cần phải có chỉ định nghiêm ngặt từ thầy thuốc, lương y giàu kinh nghiệm người bị bệnh dạ dày, gan, mật, có sức đề kháng yếu, dùng mật nhân sẽ nguy hiểm đến tính mạng. |
Theo Thái Bình (Thừa Thiên-Huế Online)