Thứ Sáu, 30 tháng 9, 2011

Dự án nhỏ "Phát triển Cây Chùm Ngây (Moringa Oleifera Lam)


THÔNG TIN HỘI LÀM VƯỜN & TRANG TRẠI TP. HỒ CHÍ MINH
_____@_____
   Hội Làm Vườn & trang Trại TPHCM đã thực hiện Dự án nhỏ "Phát triển Cây Chùm Ngây (Moringa Oleifera Lam) trong hộ dân Xã Tân Phú Trung - Huyện Củ Chi làm nguồn rau xanh giàu dinh dưỡng". Với nguồn kinh phí của Hội và vận động đóng góp kinh phí của một số chủ trang trại. Cùng sự phối hợp tham gia của Hội Nông Dân Xã Tân Phú Trung Huyện Củ Chi.
Dự án đã kết thúc giai đoạn đầu, tính đến ngày 1/9/2008 đã có 144 hộ dân trồng 1002 cây Chùm Ngây, Sau 2-3 tháng trồng cây đã cao từ 1-1.5m, một số cây cao gần 2m, phát triển tốt. Các hộ tham gia dự án đã được cấp tài liệu về kỹ thuật và hướng dẫn kỹ thuật trồng, chăm sóc, thu hoạch, nhân giống, phát triển tiếp. Nhiều hộ dân muốn có cây giống để trồng trong vườn nhà, sử dụng trong gia đình. Hiện nay Hội đang có kế hoạch vận động "Mạnh thường quân, quý vị gần xa” có lòng hảo tâm hỗ trợ để Hội có điều kiện nhân rộng mô hình ra nhiều hộ trồng cây Chùm Ngây sử dụng trong gia đình.
   Dưới đây xin giới thiệu bài viết "Cây Chùm Ngây Giàu Dinh Dưỡng, Là Vị Thuốc Hay" của BS Hoàng Xuân Đại đăng trên báo Người Cao Tuổi (ngày 15 tháng 9 năm 2008) để bà con và quý vị tham khảo.
Hội Làm Vườn & Trang Trại TP. Hồ Chí Minh.
Địa chỉ: 1091 Trần Hưng Đạo, 
Phường 5, Quận 5, TPHCM (lầu 1)
CÂY CHÙM NGÂYgiàu dinh dưỡng, là vị thuốc hay
BS. HOÀNG XUÂN ĐẠI.
   Chùm ngây (Moringa Oleifera Lam thuộc họ Chùm ngây - Moringaceae) là cây nguyên sản ở Ấn Độ, mọc hoang hoặc được trồng trong vườn làm rau ăn ở những vùng nhiệt đới như các tỉnh phía 
nam nước ta, hay nhiều nước khác trên Thế giới như Lào, Campuchia, Thái Lan, các nước Châu Phi, Châu Mỹ la tinh,... . Đặc biệt là được sử dụng bào chế thành dược liệu làm thuốc chữa trị được nhiều bệnh vì rất giàu dinh dưỡng, giàu dược tính.
   Là cây thân gỗ nhỏ, Chùm ngây cao tới 10m, có 3-9 đôi lá chét hình trứng, mọc đối. Hoa trắng, có cuống, trông hơi giống hoa đậu, mọc thành chùy ở nách lá có lông tơ. Lá bắc hình sợi, quả nang treo, có 3 cạnh, dài từ 25-30cm, chỗ có hạt hơi gồ lên, khía rãnh dọc. Hạt màu đen, to bằng hạt đậu Hòa Lan, tròn, có 3 cạnh và 3 cánh màu trắng dạng màng.
   Chùm ngây được sử dụng làm thuốc đạt hiệu quả cao nên đã có nhiều công trình nghiên cứu khoa học được thực hiện ở Chùm ngây. Kết quả phân tích thành phần hóa học trên cây thấy rằng ở vỏ rễ của cây Chùm ngây có chứa gôm và 2 loại alcaloit là Moringin và Moringinin. Alcaloit Moringin tương đồng với Benzylanin cũng thấy có trong vỏ của thân cây. Ngoài ra trong vỏ thân cây còn có Beta-sitosterol.
   Toàn thân chứa một lacton gọi là Pterygospermin là một chất kháng khuẩn với loại vi khuẩn bắt màu Gram dương (Gram+) và cả loại Gram âm, cũng như cả loại vi khuẩn ưa acid. Hoa Chùm ngây có chứa Base vô định hình. Hạt Chùm ngây lại có chứa một loại dầu không màu chiếm khoảng 33 - 38%, có vị dịu và lâu hỏng, có thể ăn được.
   Ngoài ra, Chùm ngây chứa nhiều khoáng chất quan trọng, giàu chất đạm, vitamine, beta-carotene, các acid anime, cùng nhiều hợp chất chứa Phenol. Cây Chùm ngây còn cung cấp một hỗn hợp cùng nhiều hợp chất quý hiếm như zeatin, quercetin, alpha-sitosterol, caffeoylquinic acid và kaempferol,... . Theo các nghiên cứu khoa học khác còn cho biết lá và hoa tươi của cây Chùm ngây chứa một hàm lượng vitamin C nhiều gấp 7 lần so với cam và gấp 4 lầnhàm lượng can xi, 2 lần Protein so với sữa, Vitamin A chứa hàm lượng nhiều gấp 4 lần so với cà rốt, Kali gấp 3 lần so với chuối, v.v...
   Nghiên cứu về cây Chùm ngây đã được thực hiện tại nhiều nước trên Thế giới như Ấn Độ, Philippines và các quốc gia Châu Phi,... . Chùm ngây là loại cây đã được con người nhận biết cách đây hàng nghìn năm như ở các nước có nền văn minh cổ Hy Lạp, Ý, Ấn Độ,... . Hiện nay khắp Thế giới đang có chương trình trồng cây Chùm ngây lan rộng ở 80 quốc gia trên toàn cầu.
Cây Chùm ngây được sử dụng làm rau ăn từ lâu đời. Chùm ngây được nấu với tôm, tép, cá trê, thịt nạc,... . hoặc có thể nấu canh chay với bí ngô hay bắp non bào nhỏ hoặc giã nát lạc (đậu phọng) nấu cùng. Hoặc có thể làm món trộn giấm.
   Ở Lào người ta cũng sử dụng các nhánh non có hoa và quả xanh của cây Chùm ngây để nấu ăn như rau. Còn Campuchia lại sử dụng lá và quả non của Chùm ngây để nấu món Somlo.
Theo các kết quả nghiên cứu về mặt dược lý cũng cho rằng rễ cây Chùm ngây có tính kích thích, chuyển máu (hoạt huyết), gây trung tiện, làm dễ tiêu hóa, trợ tim và bổ tuần hoàn, làm dịu. Có tác dụng tốt với hệ thần kinh và gây sảy thai giống như vỏ cây. Quả có tác dụng làm giảm đau. Hoa có tác dụng kích thích và kích dục, còn hạt làm dịu cơn đau.
   Chất gôm (nhựa) từ thân cây chảy ra màu trắng có tác dụng làm giảm đau nhẹ. Lá cây có tính kích thích tiêu hóa và lợi tiểu nên cũng được sử dụng trong trị liệu bệnh lậu. Riêng rễ cây Chùm ngây cũng được nhiều nước đã sử dụng làm thuốc như ở Ấn Độ rễ được sử dụng như chất kích thích trong các cơn đau do bị liệt và sốt từng cơn, hay dùng trong động kinh, là chất hoạt huyết (chuyển máu) trong bệnh liệt và thấp khớp mạn, như là trợ tim và bổ cho tuần hoàn. Người ta còn chế thành dạng rượu thuốc để sử dụng trong khi ngất, choáng váng, suy nhược thần kinh, đau co thắt ruột, hysteria và đầy hơi. Vỏ rễ còn được dùng dưới dạng chườm nóng để làm dịu cơn đau do co thắt,...
   Để tham khảo và có thể áp dụng khi cần thiết, xin giới thiệu những phương thuốc trị bệnh từ cây Chùm ngây.
   - Làm giảm mỡ máu, cholesterol, triglycerit, acid uric, ngăn ngừa sỏi oxalaste: Rễ Chùm ngây tươi 100g (khô 30g) rửa sạch nấu với 1.000ml nước để sôi trong 15 phút, gạn lấy nước uống thay trà cả ngày.
   - Giúp ổn định huyết áp, đường huyết, bảo vệ gan, trị suy nhược: lá Chùm ngây non 150g, rửa sạch, giã nát, đổ vào 300ml nước rồi vắt lấy nước cốt (có thể cho vào máy xay sinh tố), sau cho vào 2 thìa mật ong, trộn đều và chia ra uống làm 3 lần trong ngày.
   - Trị u xơ tiền liệt tuyến: Rễ Chùm ngây tươi 100g, lá Trinh nữ hoàng cung tươi 80g (nếu là dược liệu khô thì rễ Chùm ngây 30g, lá Trinh nữ hoàng cung 20g), nấu với 2 lít nước (2.000ml), đun nhỏ lửa đến khi còn nửa lít (500ml) chia ra 3 phần uống làm 3 lần trong ngày.
   - Làm trong nước: Trong khi bị lũ lụt, nếu nguồn nước ăn không có, lấy 2 quả Chùm ngây tươi đã có hột già, đem giã nát hột già, cho vào 3 lít nước đục khuấy đều trong 5 phút và cần để lâu sau 2 giờ sẽ làm cho nước đục lắng cặn xuống đáy, nước trong có thề sử dụng cho sinh hoạt được.
   Lưu ý: Phụ nữ đang thời kỳ mang thai không sử dụng cây Chùm ngây.