Chủ Nhật, 19 tháng 5, 2013

Hiệu quả từ mô hình tưới nhỏ giọt cho cây tiêu



Cùng với nước mắm, tiêu là một sản phẩm truyền thống nổi tiếng của huyện đảo Phú Quốc (Kiên Giang) và được coi là cây trồng chủ lực của nông dân nơi đây.
Gần trăm năm nay, người dân Phú Quốc tưới nước cho cây tiêu bằng cách bơm nước lên các mương tiêu để nước tự thấm xuống và tiêu tự rút nước.
Do nguồn nước ngọt trên đảo ngày càng khan hiếm, nhất là vào mùa khô nên gần đây Phòng Kinh tế H.Phú Quốc đã tiến hành thử nghiệm mô hình tưới nhỏ giọt trong sản xuất tiêu. Mô hình này áp dụng công nghệ của Israel nhưng đã được cải tiến một số chi tiết, các thiết bị đã sản xuất được trong nước. Có 3 hộ trồng tiêu ở ấp Cây Thông Trong và ấp Búng Gội thuộc xã Cửa Dương - xã hiện có diện tích trồng tiêu lớn nhất ở Phú Quốc - tham gia thực hiện mô hình, với quy mô 1.200 gốc tiêu (0,5 ha đất)/hộ. Mô hình tưới nhỏ giọt gồm một đường ống có cấu trúc rất đặc biệt được lắp đặt hệ thống tưới có 3 bộ phận: máy bơm, bộ điều khiển trung tâm, hệ thống dây nhỏ giọt được đặt chạy dài theo các luống tiêu. Trên đường ống, tại những điểm nhỏ giọt nước đều có áp lực nhỏ như nhau để luôn giữ lượng nước đồng đều khi tưới, chống xói lở và tăng độ ẩm cho đất, giúp cây tiêu phát triển tốt đều nhau.
Các hộ được chọn thí điểm mô hình tưới nhỏ giọt trong sản xuất tiêu, cho biết cách tưới nhỏ giọt cho cây tiêu không những giảm thiểu được lượng nước thất thoát mà còn tiết kiệm lượng điện tiêu thụ, công lao động, giúp đất luôn tươi xốp và đặc biệt là đã giảm đáng kể chi phí sản xuất cho người trồng tiêu. Ông Lý Ngọc Thơ, hộ trồng tiêu ở ấp Búng Gội, cho biết cái lợi dễ thấy nhất của việc thực hiện áp dụng mô hình tưới nhỏ giọt cho cây tiêu là tiết kiệm đáng kể công lao động, do cách tưới cũ phải có người coi tưới để khi luống tiêu này đầy thì chuyển đường ống nước sang luống tiêu khác, trong khi tưới theo cách này thì chỉ cần có 2 cái van cho 1.200 gốc tiêu. Khi chạy máy bơm nước, mở 1 van là 600 bụi được tưới. “Tuy lượng nước không nhiều nhưng nhờ được thẩm thấu nên giữ được độ ẩm lâu”, ông Thơ nói.
Còn theo ông Đặng Văn Kháng, hộ được chọn thí điểm ở ấp Cây Thông Trong, thì tưới theo cách nhỏ giọt tiết giảm chi phí được khoảng 60-70% chi phí sản xuất tiêu. Cụ thể, nếu tưới theo cách truyền thống thì 1.200 gốc tiêu tốn khoảng 100 khối nước, trong khi tưới nhỏ giọt chỉ cần 30 khối. Ngoài ra, phương pháp tưới nhỏ giọt còn giúp cây tiêu no tròn hạt và cho sản lượng cao hơn bình thường do lượng nước được cung cấp đầy đủ và đồng đều.
Trao đổi với PV Thanh Niên, kỹ sư nông nghiệp Nguyễn Minh Trực, Trưởng phòng Kinh tế H.Phú Quốc, cho biết nguồn nước dùng cho sản xuất nông nghiệp ở huyện đảo đang rất khan hiếm, do vậy cải thiện được phương pháp tưới sẽ tác động rất tích cực đến sản xuất nông nghiệp, đặc biệt là sản xuất cây tiêu. Việc tưới theo cách này còn giúp cây tiêu có được nguồn nước và các chất dinh dưỡng khác ngay từ khi tiêu mới ra bông và kết hạt, do đó sẽ giúp cho cây tiêu phát triển tốt đồng đều, tăng năng suất và nâng cao chất lượng hạt tiêu.
Kỹ sư Nguyễn Minh Trực cũng cho biết, hiện nay, kinh phí đầu tư hệ thống tưới nhỏ giọt này là 70 triệu đồng cho một hecta tiêu, thời hạn sử dụng từ 7-10 năm. Đối với nhiều loại cây trồng khác, nếu áp dụng cách tưới này, chi phí lắp đặt sẽ thấp hơn. Người dân có thể liên hệ trực tiếp với nhà sản xuất để đặt mua hệ thống tưới nhỏ giọt về sử dụng, hoặc có thể nhờ qua Phòng Kinh tế huyện đặt mua giúp.
Giang Sơn