Ảnh minh họa/Internet |
Đến Đoàn 681 Hải quân, chúng tôi được thưởng thức món canh đặc biệt trong bữa cơm trưa tại Đoàn. Canh nấu thịt băm với thứ lá ăn vào vừa bùi, vừa ngọt giống như vị rau ngót nhưng lá thì rất nhỏ.
Thượng tá Nguyễn Hưng Long, Đoàn trưởng Đoàn 681 Hải quân cho tôi biết đó là lá “cây mì chính” như bà con Cơ Ho gọi. Rồi anh chỉ cho tôi xem giống cây ấy được trồng ở đầu nhà Sở chỉ huy giống như một hàng cây cảnh.
Giống cây ấn tượngSau này, tôi tò mò tra mạng và tìm ra giống cây ấy với rất nhiều sự ngạc nhiên. Hóa ra, “cây mì chính” ở Đoàn 681 có tên khoa học là Moringa, những người theo đạo Phật gọi là cây Độ sinh, các nhà thực vật học gọi là cây Thần diệu, còn tên gọi được người Việt dùng chính là Chùm ngây.
Có thể tả về Chùm ngây thế này: Cây có thân giống như cây điền thanh nhưng cứng hơn, cao từ 5 m-10 m. Lá cây thuộc loại lá kép dài 30 cm-60 cm hình lông chim có màu xanh mốc; lá chét dài 12 mm-20 mm hình trứng, mọc đối nhau từ 6-9 đôi. Hoa Chùm ngây trắng có cuống giống hoa đậu, mọc thành chùy ở nách lá, có lông tơ. Quả Chùm ngây dài 25 cm-30 cm, ngang 2 cm có 3 cạnh, chỗ có hạt hơi gồ lên, dọc theo quả có khía rãnh; hạt màu đen, tròn có 3 cạnh, lớn cỡ hạt đậu Hòa Lan. Cây trổ hoa vào tháng 1, tháng 2.
Theo tài liệu của các nhà khoa học và kinh nghiệm dân gian, cây Chùm ngây là cây rau quý. Các bộ phận của cây chứa nhiều khoáng chất quan trọng, giàu chất đạm, vitamin, beta-caroten, acid amin và nhiều hợp chất phenol. Lá và hoa Chùm ngây tươi được so sánh theo định lượng tương đương: Lượng vitamin C cao gấp 7 lần so với lượng vitamin C có trong quả cam; lượng can-xi cao gấp 4 lần lượng can-xi có trong sữa; lượng vitamin A cao gấp 4 lần lượng vitamin A có trong cà rốt…
Nhưng quan trọng hơn là toàn bộ rễ, thân, lá, hoa, quả của cây Chùm ngây đều có thể làm biệt dược chữa nhiều bệnh khác nhau. Nhiều nghiên cứu gần đây cho thấy lá chùm ngây có tính chất như một kháng sinh chống các viêm nhiễm nhỏ. Nó cũng được dùng để điều khiển lượng đường máu trong trường hợp bị bệnh tiểu đường, kể cả chữa trị các khối u.
Tuy nhiên nếu dùng chùm ngây với liều quá cao có thể gây ra buồn nôn, chóng mặt và ói mửa. Mặt khác, phụ nữ có thai không nên dùng rễ chùm ngây vì có khả năng gây trụy thai.
Tiềm năng phát triển
Với lịch sử được biết đến hơn 4 ngàn năm, Chùm ngây đang được 80 quốc gia trên thế giới sử dụng rộng rãi, đa dạng trong công nghệ dược phẩm, mỹ phẩm; làm nước giải khát dinh dưỡng và thực phẩm chức năng; làm thuốc chữa trị những bệnh hiểm nghèo và cả bệnh thông thường.
Không chỉ ở nước ngoài, ngay tại Việt Nam cây Chùm ngây cũng đã được trồng tại các tỉnh phía Nam từ Đà Nẵng, Nha Trang, Phan Thiết vào đến Kiên Giang và cả tại đảo Phú Quốc. Viện Khoa học nông nghiệp Việt Nam, Trung tâm Tài nguyên di truyền thực vật cũng đã thu thập và nhân giống cây Chùm ngây ở Nam Trung Bộ. T
Tại một số chợ đầu mối ở TP.Hồ Chí Minh và một số tỉnh thành phía Nam, lá Chùm ngây cũng đã được bán như một loại rau cho các bà nội trợ. Lá Chùm ngây dùng để ăn sống hoặc nấu canh cùng tôm, thịt rất tốt. Quả Chùm ngây non cũng dùng để xào ăn. Hoa Chùm ngây có thể dùng để làm rau ăn hoặc làm trà.
Nên có trong vườn rau bộ đội
Tại 3 đơn vị chúng tôi đến là Trung đoàn Công binh 83, 131 Hải quân và Đoàn 681, bộ đội cũng đã biết đến giống cây này do đồng bào đi rừng chỉ cho rồi lấy về trồng nhưng hiệu quả sử dụng thì mới chỉ dừng lại ở việc nấu canh trong các bữa ăn.
Không chỉ có cán bộ, chiến sĩ các đơn vị Hải quân mà với đa số trong cộng đồng Việt Nam cũng vậy, chính vì chưa rõ tên cây, chưa rõ giá trị thực của cây, nên Chùm ngây chưa được coi là một loại cây thực phẩm phổ biến trên thị trường dù nó là nguồn dược liệu và dinh dưỡng phong phú đã có từ lâu trên nhiều vùng, miền của đất nước chúng ta.
Với công dụng của nó, Chùm ngây nên được các cơ quan chức năng trong quân đội, Quân chủng nghiên cứu, đề xuất để trồng phổ biến trong vườn rau, vườn thuốc Nam của các đơn vị. Cây Chùm ngây thuộc loại cây mọc nhanh và dễ tính, cách trồng đơn giản, sống được ở những điều kiện đất đai khô cằn và trong điều kiện khí hậu khắc nghiệt, chịu được hạn hán nên chắc chắn là một đối tượng không thể bỏ qua giúp cho bộ đội ở vùng xa, vùng sâu, các đài trạm ra đa… có thêm nguồn rau sạch giàu dinh dưỡng.
Hiện đang triển khai một dự án trồng cây Chùm ngây ở các đảo nổi thuộc huyện đảo Trường Sa. Nếu dự án thành công, chắc chắn giá trị dinh dưỡng của Chùm ngây hơn rất nhiều những lá mồng tơi, cải mầm hay bầu bí mà bộ đội Hải quân đang phải khổ công “nâng như nâng trứng” mới giữ gìn được nó. Một giống cây có thể ví như là “thực phẩm chức năng” giành cho lính đảo.
Nguyễn Lê Minh Đức